Kinh tế Ả_Rập_Xê_Út

Đường Quốc vương Fahd tại Riyadh

Ả Rập Xê Út có nền kinh tế chỉ huy, dựa trên dầu mỏ với khoảng 75% thu ngân sách và 90% thu nhập xuất khẩu đến từ công nghiệp dầu mỏ. Quốc gia này phụ thuộc nhiều vào công nhân ngoại quốc, khoảng 80% người lao động trong khu vực tư nhân không phải là công dân Ả Rập Xê Út.[191][192] Một số thách thức đối với kinh tế Ả Rập Xê Út là ngăn chặn hoặc đảo nghịch việc suy giảm thu nhập bình quân, cải thiện giáo dục để chuẩn bị cho thanh niên trở thành lực lượng lao động và cung cấp cho họ việc làm, đa dạng hoá kinh tế, khuyến khích khu vực tư nhân và xây dựng nhà ở, giảm bớt tham nhũng và bất bình đẳng.

Ngành công nghiệp dầu mỏ chiếm khoảng 45% tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa của Ả Rập Xê Út, trong khi khu vực tư nhân chiếm 40%. Ả Rập Xê Út theo số liệu chính thức có trữ lượng dầu mỏ 260 tỷ thùng (4,1×1010 m3), chiếm khoảng 20% trữ lượng dầu mỏ được kiểm chứng của thế giới.[193] Trong thập niên 1990, thu nhập từ dầu mỏ của Ả Rập Xê Út bị tụt giảm đáng kể, kết hợp với tỷ lệ gia tăng dân số cao khiến thu nhập bình quân giảm từ mức 11.700 USD vào đỉnh điểm bùng nổ dầu mỏ trong năm 1981 xuống còn 6.300 USD trong năm 1998.[194] Giá dầu mỏ sau đó tăng lên khiến GDP bình quân tăng lên, đạt 17.000 USD vào năm 2007 (khoảng 7.400 USD điều chỉnh theo lạm phát),[195] song giảm xuống do giá dầu mỏ giảm từ giữa năm 2014.[196]

Văn phòng Saudi Aramco, là công ty có giá trị lớn nhất Ả Rập Xê Út và là nguồn thu nhập chính của quốc gia.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) hạn chế sản lượng dầu mỏ của các thành viên dựa trên "trữ lượng được chứng minh" của họ. Trữ lượng công bố của Ả Rập Xê Út có ít biến động kể từ năm 1980, ngoại lệ chính là lần tăng khoảng 100 tỷ thùng (1,6×1010 m3) giai đoạn 1987-1988.[197]

Trong giai đoạn 2003–2013, một số dịch vụ trọng yếu được tư hữu hoá: cung cấp nước đô thị, điện lực, viễn thông; và một phần hệ thống giáo dục và y tế, kiểm soát giao thông và tường trình tai nạn ô tô cũng được tư hữu hoá. Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại về hoạt động của các thực thể được tư hữu hoá này.[198] Tháng 11 năm 2005, Ả Rập Xê Út được phê chuẩn trở thành một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới. Ả Rập Xê Út duy trì việc cấm đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực, song chính phủ có kế hoạch mở cửa một số lĩnh vực như viễn thông, bảo hiểm, truyền tải điện. Chính phủ cũng tiến hành nỗ lực nhằm bản địa hoá kinh tế, tức thay thế công nhân ngoại quốc bằng công dân Ả Rập Xê Út song chỉ có thành công hạn chế.[199]

Ả Rập có các kế hoạch phát triển 5 năm kể từ năm 1970. Trong số các kế hoạch này có triển khai "các thành phố kinh tế" (như King Abdullah Economic City) được hoàn thành cho đến năm 2020, nhằm đa dạng hoá kinh tế và cung cấp việc làm. Tính đến năm 2013[cập nhật] có bốn thành phố được lập kế hoạch.[200] Quốc vương tuyên bố rằng thu nhập bình quân sẽ tăng lên đến 33.500 USD vào năm 2020.[201] Các thành phố phân bố khắp Ả Rập Xê Út nhằm xúc tiến đa dạng hoá tại mỗi khu vực.

Ngoài dầu mỏ và khí đốt, Ả Rập Xê Út còn có ngành khai thác vàng quy mô nhỏ tại khu vực Mahd adh Dhahab và các ngành khai khoáng khác, lĩnh vực nông nghiệp (đặc biệt là tại tây nam) dựa vào chà là và gia súc, và một số công việc tạm thời được tạo ra trong mỗi dịp hành hương hajj.[202] Ả Rập Xê Út khuyến khích nông nghiệp sa mạc bằng cách cung cấp trợ cấp đáng kể cũng như tiêu tốn 300 tỷ m³ nước mà hầu hết là nguồn nước không tái tạo để trồng cỏ linh lăng, ngũ cốc, thịt và sữa tại hoang mạc Ả Rập.[203] Ước tính việc tiêu thụ nguồn nước ngầm không tái tạo khiến cho 4/5 trữ lượng nước ngầm biến mất cho đến năm 2012.[204]

Ả Rập Xê Út đầu tư đáng kể vào việc khử muối nước biển, cung cấp nước, hệ thống thoát nước và xử lý nước, làm tăng đáng kể tỷ lệ dân chúng được tiếp cận nước uống và cải thiện điều kiện vệ sinh trong các thập niên qua. Khoảng 50% nước uống có nguồn gốc từ nước khử muối, 40% đến từ khai thác nước ngầm và 10% đến từ nước bề mặt (đặc biệt tại vùng núi non tây nam). Thủ đô Riyard được cung cấp nước khử muối bơm từ vịnh Ba Tư với khoảng cách 467 km. Nhờ thu nhập từ dầu mỏ, nước được cung cấp gần như miễn phí. Mặc dù chất lượng dịch vụ được cải thiện song vẫn còn thấp, chẳng hạn tại Riyadh chỉ có nước một lần trong mỗi 2,5 ngày vào năm 2011, còn tại Jeddah chỉ có nước 9 ngày một lần.[205]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ả_Rập_Xê_Út http://www.thenational.ae/arts-culture/art/carved-... http://www.hls-dhs-dss.ch/textes/f/F003425.php http://www.chinadaily.com.cn/world/2015-01/23/cont... http://stream.aljazeera.com/story/201306180036-002... http://www.aljazeera.com/news/2015/03/saudi-arabia... http://www.aljazeera.com/news/2017/09/saudi-arabia... http://www.aljazeera.com/news/middleeast/2014/04/s... http://www.arabianbusiness.com/saudi-king-gives-bi... http://arabnews.com/saudiarabia/article199149.ece http://arabnews.com/saudiarabia/article238363.ece